PHÂN TÍCH ĐA KHUNG THỜI GIAN VÀ NHỮNG SAI LẦM TAI HẠI

Chuyển đổi khung thời gian liên tục trong lúc đang phân tích vào lệnh là nguyên nhân lớn khiến Trader bị bối rối, và từ bỏ kế hoạch giao dịch đã đặt ra ban đầu. Khi phân tích đa khung thời gian, Trader chúng ta tự động tiếp nhận các thông tin mới làm yếu đi nhận định ban đầu. Ví dụ anh em tính Buy trên H1 nhưng khi mở ra H4 lại thấy sợ, không dám buy nữa.

Cái tai hại của phân tích đa khung thời gian là ở chỗ đó, nó làm chúng ta tự mất đi sự tin tưởng vào nhận định của bản thân khi có sự mâu thuẫn giữa các khung với nhau. Mà khi tay đã run rồi thì vào lệnh gì nổi, trong khi đó có thể là 1 setup rất đẹp.

Phân tích đa khung thời gian – Cách tiếp cận thông tin của Trader

Cũng giống như nhiều người làm trong các ngành nghề khác, cách Trader tiếp cận và xử lý thông tin từ biểu đồ giá rất quan trọng và sẽ quyết định mức độ thành công của anh ta. Ví dụ người bác sỹ sẽ nhìn vào các triệu chứng và các bản kiểm tra chỉ số của người bệnh để xác định là người đó bị bệnh gì. Trader thì nhìn biểu đồ, tâm lý thị trường, chỉ báo kỹ thuật, đọc tin tức để hiểu câu chuyện mà thị trường muốn nói, từ đó lên kế hoạch vào lệnh.

Cách tiếp cận thông tin của Trader có thể được chia làm 2 loại:

  • Scalp Trader: thuộc loại lướt sóng nhanh, nên ít khi có thời gian đánh giá qua nhiều yếu tố rồi mới vào lệnh. Họ phải xử lý thông tin, nhận ra mẫu hình và hành động rất nhanh, và quá trình này phụ thuộc vào cảm tính và bản năng trader nhiều hơn;
  • Swing Trader: có nhiều thời gian đánh giá các triệu chứng trước khi vào lệnh. Họ có thể nhìn vào xu hướng thị trường, chỉ báo, và có thể lập nên 1 kế hoạch chi tiết trước khi click chuột.

Trade trên các khung dài hơn cần sự chuẩn bị và đánh giá, trong khi trade các khung ngắn cần sự nhạy bén và khả năng xử lý thông tin cực kỳ nhanh chóng, cùng sự tập trung cao độ.

Vấn đề xảy ra khi Trader cố gắng phối trộn 2 kiểu xử lý thông tin này lại với nhau. Có thể là kiểu phân tích vào lệnh trên khung này nhưng lại quản lý lệnh trên khung kia, hoặc đang phân tích và đã vào lệnh trên 1 khung cái nhảy sang khung khác xem thế nào. Tất cả đều đem lại hệ quả xấu khi các khung thời gian cho thông tin trái ngược nhau. Đương nhiên khi thông tin trùng khớp nhau thì nói làm gì nữa, nhưng về cơ bản việc làm như vậy là không cần thiết. Nếu anh em chưa hiểu và chưa nghiên cứu sâu về phân tích đa khung, thì nó không đơn giản là phân tích khung này xong nhảy sang khung kia, việc này chỉ làm chúng ta thêm rối và đưa ra quyết định càng sai lầm thôi.

 

Đừng nhầm lẫn Phân tích đa khung thời gian với việc chuyển đổi khung qua lại

Phân Tích đa khung thời gian là 1 trường phái phân tích rất nổi tiếng, và được nhiều Trader trên thế giới áp dụng, với lý thuyết cơ bản cho rằng nếu 2 khung thời gian đồng thuận với nhau thì lệnh trade sẽ có xác suất thắng cao hơn. Điều này là hoàn toàn đúng, xu hướng tăng trên H1 cũng xuất hiện trên H4 thì lệnh buy sẽ dễ thắng hơn, so với việc buy trên xu hướng tăng H1 trong khi H4 thì đang giảm. Tuy nhiên điều này chỉ đúng khi anh em VẪN CÒN TRONG GIAI ĐOẠN PHÂN TÍCH. Nếu khi đã vào lệnh mà chúng ta còn chuyển đổi qua lại giữa các khung, tâm lý chúng ta sẽ bị đấu tranh dữ dội, và kết quả là thoát lệnh trong sợ hãi. Phân tích đa khung thời gian phức tạp hơn nhiều so với việc đổi khung liên tục, và cơ bản là nó chỉ mang lại tai hại khi lệnh đã vào.

Tóm lại, mình khuyên anh em đang giao dịch trên khung nào thì chỉ cần phân tích và vào lệnh trên khung đó thôi, và đừng để các thông tin trên khung khác ảnh hưởng lên quyết định của mình. Nếu anh em trade H1, thì H4 hay D1 có thể dùng để tham khảo, không nên để ra quyết định.