HIỂU ĐÚNG VỀ PHÂN KỲ TRONG PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Hôm nay mình sẽ chia sẻ với các bạn về PHÂN KỲ – là tín hiệu tin cậy trong phân tích kỹ thuật khi áp dụng để xác định đảo chiều xu hướng, hay còn gọi là tín hiệu để bắt đỉnh đáy thị trường.
Trước hết cần nói rõ rằng quan điểm của cá nhân mình về Phân Kỳ có thể giống 1 phần so với các lý thuyết bạn từng đọc qua, và cũng có những điểm khác, thậm chí có những điều là trái ngược với suy nghĩ thông thường của bạn về nội dung này. Bạn có thể tham khảo, chia sẻ và thảo luận để chúng ta cùng có cái nhìn sâu hơn về vấn đề này.
Ok, giờ vào nội dung chính, riêng cá nhân mình định nghĩa về Phân Kỳ như sau:
Phân Kỳ (Divergence) là 1 dấu hiệu sớm nhất cho thấy sự suy yếu tiềm ẩn của XUNG LỰC thị trường thông qua các chỉ báo kỹ thuật. Nói cách khác thì Phân Kỳ cho thấy dấu hiệu sớm nhất của khả năng đảo chiều.
Như vậy, chúng ta cần hiểu rằng Phân Kỳ như 1 con sóng ngầm bên dưới ĐI NGƯỢC LẠIvới con sóng giá đang nổi trên mặt nước. Điều đó có nghĩa rằng trong 1 xu hướng tăng giá thì giá đang tạo thành các con sóng tăng dần lên và khi xuất hiện phân kỳ tức là có 1 con sóng ngầm của xung lực tiềm ẩn đang đi ngược lại (đi xuống), điều này cảnh báo giá có thể sẽ đảo chiều đi xuống, hoặc ít nhất nó cũng cho thấy sức tăng của thị trường đang suy yếu đáng kể. Trong 1 xu hướng giảm giá thì ngược lại.
Sau đây là 3 trường hợp Phân Kỳ báo hiệu 1 khả năng đảo chiều từ tăng thành giảm (tín hiệu báo đỉnh) thường thấy và dễ nhận biết:
1. Giá đi lên tạo thành các đỉnh cao hơn nhưng chỉ báo kỹ thuật tạo thành các đỉnh thấp hơn
 
2. Giá đi lên tạo thành các đỉnh cao hơn nhưng chỉ báo kỹ thuật tạo thành các đỉnh ngang bằng nhau.
3. Giá tạo thành các đỉnh bằng nhau nhưng chỉ báo kỹ thuật tạo thành các đỉnh thấp hơn.
 Tương tự là 3 trường hợp Phân Kỳ báo hiệu 1 khả năng đảo chiều từ giảm thành tăng (tín hiệu báo đáy):
1. Giá đi xuống tạo thành các đáy thấp hơn nhưng chỉ báo kỹ thuật tạo thành các đáy cao hơn
 
2. Giá đi xuống tạo thành các đáy thấp hơn nhưng chỉ báo kỹ thuật tạo thành các đáy ngang bằng nhau
 
3. Giá đi xuống tạo thành các đáy bằng nhau nhưng chỉ báo kỹ thuật tạo thành các đáy cao hơn.
Thực ra nếu xem xét đúng bản chất của Phân Kỳ, thì có rất nhiều trường hợp khác nữa, ví dụ như tín hiệu báo đỉnh có độ dốc của các đỉnh giá LỚN HƠN so với độ dốc của các đỉnh chỉ báo kỹ thuật là đã cảnh báo 1 sự suy yếu của xu hướng rồi, tuy nhiên để trực quan và dễ áp dụng thì thông thường ta chỉ cần để ý 1 trong 3 trường hợp ở trên là được, cần đặc biệt lưu ý trường hợp 1 vì nó có ĐỘ TIN CẬY CAO NHẤT (xung lực tiềm ẩn để gây áp lực đảo chiều xu hướng là mạnh nhất)
Tất nhiên tín hiệu Phân Kỳ trong Phân Tích Kỹ Thuật có thể áp dụng cho mọi biểu đồ giá của các loại thị trường khác nhau từ chứng khoán, tới forex, vàng, tiền ảo bitcoin BTC, dầu, cà phê, nông sản,… chính bởi tính ứng dụng không giới hạn của Phân Tích Kỹ Thuật là lý do hấp dẫn nhất khiến rất đông các tín đồ đi theo trường phái này.
Giờ mình sẽ minh họa cụ thể với chỉ báo MACD (thông số mặc định 12,26,9), qua các biểu đồ cụ thể trên các cổ phiếu :
TÍN HIỆU BÁO ĐỈNH TRƯỜNG HỢP 1: Giá tạo đỉnh cao hơn, MACD tạo đỉnh thấp hơn.
Biểu đồ giá cho thấy sau khi macd báo đỉnh thấp hơn (tức là đã xác nhận phân kỳ) thì giá đã đảo chiều đi xuống, dĩ nhiên việc giá đi xuống nhiều hay ít và xu hướng giảm hình thành và chạy được xa hay gần còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa (ít nhất là phụ thuộc vào việc phân tích đa khung thời gian).
TÍN HIỆU BÁO ĐỈNH TRƯỜNG HỢP 2: Giá tạo đỉnh cao hơn, MACD tạo đỉnh ngang bằng nhau
TÍN HIỆU BÁO ĐỈNH TRƯỜNG HỢP 3: Giá tạo đỉnh ngang bằng, MACD tạo đỉnh thấp hơn.
TÍN HIỆU BÁO ĐÁY TRƯỜNG HỢP 1: Giá tạo đáy thấp hơn, MACD tạo đáy cao hơn.
TÍN HIỆU BÁO ĐÁY TRƯỜNG HỢP 2: Giá tạo đáy thấp hơn, MACD tạo đáy ngang bằng
TÍN HIỆU BÁO ĐÁY TRƯỜNG HỢP 3: Giá tạo đáy ngang bằng, MACD tạo đáy cao hơn
Như vậy, qua hình ảnh minh họa trên đây, dễ dàng nhận thấy tại các đỉnh và đáy (vùng đảo chiều) thường là luôn có dấu hiệu phân kỳ. Vấn đề còn lại là làm sao ta có thể lọc được những tín hiệu nhiễu (những tín hiệu sai, hoặc nó phát huy quá ít – giá đảo chiều chạy quá ngắn) là có thể giải quyết được phần lớn vấn đề BẮT ĐỈNH – BẮT ĐÁY.
Một số khái niệm bạn sẽ đọc qua ở các nơi khác khi tìm hiểu về phân kỳ như Phân Kỳ Ẩn, Tam Phân Kỳ, Tứ Phân Kỳ,… tất cả những điều đó không quá quan trọng bằng việc bạn hiểu rõ và hiểu đúng về bản chất của Phân Kỳ. Và cá nhân mình khẳng định rằng tín hiệu Phân Kỳ không bao giờ là 1 tín hiệu báo khả năng tiếp diễn của xu hướng, nó chỉ thuần túy cung cấp dấu hiệu cho việc đảo chiều xu hướng mà thôi, còn việc bạn đọc đánh giá đúng sai thế nào chắc chắn theo thời gian tự giao dịch các bạn cũng sẽ tự rút ra được.
Trong phạm vi bài viết này, mình sẽ chỉ chia sẻ để bạn hiểu đúng về Phân Kỳ trong phân tích kỹ thuật, còn để áp dụng nó cho hiệu quả thì nhất định vẫn phải cần chính bạn tự trải nghiệm và áp dụng nó cũng như dần đúc rút kinh nghiệm riêng trong quá trình giao dịch, từ đó sẽ nâng dần hiệu quả lên. Tuy nhiên, cá nhân mình cũng có vài gợi ý nhỏ như sau:

– Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng Phân Kỳ với bất kỳ một chỉ báo kỹ thuật thông dụng như RSI, STOCHASTIC OSCILLATOR, MACD, CCI,… tùy vào sở thích và sự phù hợp mà chúng ta sẽ chọn cho mình 1 chỉ báo kỹ thuật khi tìm kiếm tín hiệu Phân Kỳ.

– Cần kết hợp phân tích đa khung thời gian, ít nhất là nên xem xét thêm khung thời gian lớn hơn (khoảng 4 đến 6 lần đơn vị thời gian so với khung chính đang phân tích, ví dụ đang phân tích H1 thì xem thêm H4, đang phân tích M15 thì xem thêm H1,…) để tránh các khu vực “nhạy cảm” dẫn tới tín hiệu Phân Kỳ có khả năng không chính xác.

– Cần kết hợp với yếu tố xu hướng, nhất là xu hướng của khung lớn hơn
– Lưu ý thêm vấn đề khối lượng, tuy rằng tín hiệu Phân Kỳ bản chất cốt lõi nó chứa dấu hiệu của khối lượng trong đó rồi nhưng nếu xem thêm khối lượng giao dịch cụ thể của từng cây nến ngay khu vực tạo các đỉnh đáy phân kỳ thì sẽ càng hiệu quả hơn

– Tín hiệu Phân Kỳ nếu xảy ra ở khu vực quan trọng – là các mức Cản kỹ thuật thì càng đáng tin cậy hơn

– Khi tạo đỉnh đáy 2 để hoàn tất dấu hiệu phân kỳ thì cần lưu ý đó là 1 VÙNG giá – tức là gồm nhiều cây nến, do vậy việc xem xét vào lệnh chính xác tại cây nến nào nó quyết định rất lớn đến sự thành bại của lệnh giao dịch, sự chính xác sẽ tăng dần lên sau khi chúng ta có trải nghiệm thực chiến và đúc rút thêm trong quá trình giao dịch bạn nhé.

– Chúng ta cũng hoàn toàn có thể áp dụng tín hiệu Phân Kỳ cho quyết định chốt lời 1 lệnh đang chạy, ít nhất nó cũng sẽ mang lại cho chúng ta sự chủ động về tâm lý và tránh được những tình trạng “ăn quá non” (vào lệnh mới lời được chút xíu đã vội vàng chốt lời).

– Cần lưu ý Phân Kỳ cũng có thể bị phá thế (sai), việc áp dụng nó sao cho đúng sẽ dựa hoàn toàn vào khả năng và kinh nghiệm của mỗi người, nói đúng hơn thì PHÂN KỲ CÓ TỶ LỆ ĐÚNG CAO, NHƯNG CŨNG CÓ SAI, VIỆC CỦA CHÚNG TA LÀ TÌM NHỮNG CÁI ĐÚNG ĐỂ LẶP LẠI ÁP DỤNG
Để có kiến thức phân tích và đầu tư tốt hơn , mời các bạn tham khảo các khóa học Fibonacci Academy tổ chức Tại đây .
Sưu tầm và biên soạn lại bởi : Fibonacci Academy