Mối tương quan giữa Đô la – Vàng – Hàng hóa – Chứng khoán – Trái phiếu – QE

Mối quan hệ nghịch đảo giữa vàng và đôla

Một trong những mối quan hệ được biết đến rộng rãi nhất trên thị trường tiền tệ có lẽ là mối tương quan tỷ lệ nghịch giữa vàng và đôla Mỹ (USD).

Mối quan hệ này bắt nguồn từ thực tế rằng vàng được coi là công cụ hữu hiệu để phòng ngừa lạm phát nhờ vào giá trị ổn định, trong khi đó, đôla Mỹ thể hiện vị thế của mình thông qua mức lãi suất được neo theo tỷ giá đôla. Khi giá trị trao đổi của đôla Mỹ giảm đi, phải mất nhiều đôla hơn để mua được vàng, nên giá trị của vàng được nâng lên. Ngược lại, khi giá trị trao đổi của đôla Mỹ tăng lên, cần ít đôla hơn để mua được vàng, dẫn đến việc giá trị vàng tính bằng đôla giảm xuống.

Khác với tiền tệ, trái phiếu chính phủ, và cổ phiếu doanh nghiệp – đều được quyết định bởi cung cầu cũng như khả năng phát hành của chính phủ hay các doanh nghiệp – vàng gần như độc lập với cung và cầu, cũng không hề liên quan đến việc thay đổi các chính sách tiền tệ hay chính sách công ty, cũng như sự xuất hiện của các nguồn vốn, khoản nợ hay đồng tiền mới.

Mặc dù vàng vẫn duy trì mối quan hệ nghịch đảo với các đồng tiền khác chứ không riêng gì đồng đôla, nhưng về cơ bản, mối tương quan tỷ lệ nghịch giữa vàng và đôla là rõ nét nhất bởi USD chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dự trữ ngoại hối của các NHTW.

Mối liên hệ giữa vàng và thị trường tiền tệ

Khi cầu USD tăng cao thì có tác động đến giá vàng hay không và tác động của nó đến vàng như thế nào?

Giá vàng hiện chủ yếu được yết bằng USD, do vậy biến động của chỉ số USD có ảnh hưởng trực tiếp đến giá vàng. Ngoài ảnh hưởng bởi tỷ giá quy đổi giữa vàng và USD thì ngay trong bản thân các yếu tố tác động đến sự tăng – giảm của chỉ số USD cũng ảnh hưởng trực tiếp đến giá vàng theo từng thời điểm nhất định.

Khi nhu cầu USD tăng, USD sẽ được định giá cao hơn bởi nhiều yếu tố kinh tế tác động, trong đó có một số yếu tố ảnh hưởng trực tiếp như: tăng lãi suất, các chỉ số sức mạnh của nền kinh tế Mỹ tăng bền vững và chính trị bình ổn, khi đó giá vàng sẽ được điều chỉnh lại thông qua quy đổi. Về mặt quy đổi trong mối tương quan của các cặp tiền tệ, chúng ta nhận thấy, khi USD tăng thì giá vàng được định giá bằng đồng USD sẽ trở nên đắt hơn so với các loại tiền tệ khác, ngay lập tức giá vàng sẽ được điều chỉnh giảm.

Để đồng USD trở nên mạnh hơn nhờ sự hỗ trợ bởi nhiều yếu tố, trong đó tình hình tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Mỹ là quan trọng nhất. Khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng ổn định thì vàng sẽ không có nhiều sự hỗ trợ cho việc tăng giá. Một khi chỉ số USD được củng cố bởi các yếu tố, dẫn đầu là chính sách lãi suất, kinh tế tăng trưởng đều, chỉ số thu nhập và niềm tin tiêu dùng được củng cố thì các nhà đầu cơ, nhà đầu tư sẽ tăng cường giữ USD theo thời điểm hoặc dài hạn để kiếm lợi nhuận và là phương tiện thanh toán, chính điều này cũng là yếu tố không hỗ trợ cho giá vàng.

Các đồng tiền mạnh trong rổ tiền tệ khi tăng hoặc giảm thì có ảnh hưởng ít nhiều đến đến chỉ số USD, vì chỉ số USD được thiết lập bởi các đồng tiền EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF. Khi có sự thay đổi giá trị của các đơn vị tiền tệ này thì chỉ số USD sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, chúng ta có thể hình dung rằng, giá trị thời điểm của các đơn vị tiền tệ này ảnh hưởng gián tiếp đến giá vàng. Và khi một đơn vị tiền tệ mạnh ngoài USD, như EUR, JPY hay GBP tăng hoặc giảm mạnh do yếu tố kinh tế, chính trị, thì dòng chảy đầu tư hoặc đầu cơ mua hoặc bán vào đồng tiền này tăng mạnh. Một số chỉ số cơ bản mà nhà đầu tư có thể theo dõi khi phân tích giá vàng: USD Index, EUR/USD, giá dầu thô, giá bạc và sự tăng giảm của chỉ số chứng khoán trên các TTCK lớn.

Mối quan hệ giữa thị trường hàng hóa và thị trường ngoại hối

Việc nhu cầu hàng hóa toàn cầu gia tăng đã kéo thị trường hàng hóa và thị trường ngoại hối gần nhau hơn. Mọi nền kinh tế trên thế giới đều phải nhập khẩu một số hàng hóa để tiêu dùng. Để mua những hàng hóa này, những nhà nhập khẩu phải đổi đồng tiền của họ ra đồng tiền của nước mà họ muốn nhập khẩu hàng hóa. Giao dịch này sẽ khiến nhu cầu về đồng tiền của nước xuất khẩu cao hơn và tăng giá trị cho đồng tiền đó. Giao dịch này cũng sẽ khiến cung tiền của nước nhập khẩu cao hơn và làm giảm giá trị của dồng tiền đó.

Ba đồng tiền lớn là đô Úc, đô Canada và đô New Zealand có mối quan hệ mật thiết với giá trị của hàng hóa bởi ba nước này là những nước xuất khẩu hàng hóa lớn. Khi giá của hàng hóa tăng, giá trị của những đồng tiền này cũng gia tăng và ngược lại.

Mỗi đồng tiền trong nhóm trên bị tác động bởi rất nhiều loại hàng hóa khác nhau. Ví dụ, đồng đôla Úc có mối liên hệ chặt chẽ với giá vàng, nếu giá vàng tăng thì giá trị của đồng đôla Úc cũng tăng theo và ngược lại.

Việc để ý tới những gì sẽ diễn ra trong thị trường hàng hóa trong những năm tiếp theo sẽ giúp bạn có được lợi nhuận lớn trong thị trường ngoại hối. Nhu cầu từ toàn cầu gia tăng sẽ đẩy giá hàng hóa lên cao hơn trong những năm tiếp theo. Vì thế hãy chuẩn bị để kiếm lợi nhuận không chỉ từ những đồng tiền sẽ tăng giá khi giá hàng hóa tăng mà cả những đồng tiền sẽ yếu đi.

Mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán và thị trường ngoại hối

Các nhà đầu tư cá nhân trên thế giới thường theo dõi thị trường chứng khoán sát sao hơn các thị trường khác. Chứng khoán vốn hấp dẫn bởi chúng tồn tại đã lâu và các nhà đầu tư cá nhân có thể liên hệ tới các công ty mà họ mua chứng khoán. Khi thị trường chứng khoán hoạt động tốt, các nhà đầu tư sẽ đổ tiền vào thị trường chứng khoán. Khi thị trường chứng khoán hoạt động khó khăn, các nhà đầu tư sẽ rút tiền ra khỏi thị trường.

Toàn cầu hóa tạo cơ hội cho các nhà đầu tư từ các quốc gia đầu tư dễ dàng hơn vào thị trường chứng khoán của các quốc gia khác. Nếu các nhà đầu tư nhận thấy thị trường chứng khoán Mỹ đang hoạt động hiệu quả thì họ sẽ nhanh chóng chuyển qua mua chứng khoán Mỹ. Nếu họ thấy chứng khoán ở Nhật Bản đang hoạt động tốt hơn ở Châu Âu, các nhà đầu tư sẽ rút tiền của họ ra khỏi thị trường Châu Âu để đầu tư vào thị trường Nhật Bản.

Chứng khoán của mỗi quốc gia được giao dịch bằng đồng tiền của quốc gia đó. Để đầu tư vào chứng khoán Mỹ, các nhà đầu tư phải đổi tiền của họ ra đồng đôla Mỹ, do đó làm gia tăng nhu cầu của đồng đôla Mỹ và đẩy giá trị của đồng đôla Mỹ tăng. Cùng thời điểm đó, nguồn cung của các đồng tiền khác sẽ tăng và làm giảm giá tri của các đồng tiền này.

Các nhà kinh doanh ngoại hối thường quan sát thị trường chứng khoán của các quốc gia lớn. Nếu chứng khoán của một quốc gia hoạt động tốt hơn một quốc gia khác, các nhà kinh doanh ngoại hối biết rằng các nhà đầu tư khác sẽ chuyển tiền của họ từ quốc gia có thị trường chứng khoán yếu hơn sang quốc gia có thị trường chứng khoán mạnh hơn. Điều này sẽ khiến giá trị đồng tiền của quốc gia có thị trường chứng khoán mạnh hơn tăng lên so với đồng tiền của quốc gia có thị trường chứng khoán yếu hơn. Bằng cách nắm bắt cơ hội đó, bạn có thể kiếm được lợi nhuận ngon lành.

Mối quan hệ giữa thị trường trái phiếu và thị trường ngoại hối

Sau thị trường ngoại hối, thị trường trái phiếu là thị trường tài chính lớn thứ hai trên thế giới. Các chính phủ, các tổ chức và các nhà đầu tư cá nhân đều tham gia hoạt động trên thị trường trái phiếu. Mỗi thành phần này đều có chung một mục đích đó là tìm kiếm lợi nhuận từ hoạt động đầu tư của họ.

Trái phiếu chính phủ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong thị trường trái phiếu. Các trái phiếu này là những tài khoản đầu tư có độ rủi ro gần như bằng không bởi chúng được đảm bảo bởi niềm tin của chính phủ các quốc gia. Một số chính phủ trả lãi suất trên trái phiếu của họ cao hơn các chính phủ khác. Các nhà đầu tư quốc tế thu được lợi nhuận khi họ quyết định trái phiếu của chính phủ nào họ sẽ đầu tư. Các trái phiếu với lãi suất cao hơn sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư hơn khi nền kinh tế của các trái phiếu đó phát triển ổn định.

Những nhà đầu tư mong muốn mua trái phiếu chính phủ sẽ phải dùng tiền của chính phủ đó để mua. Nếu các nhà đầu tư muốn mua trái phiếu của chính phủ Mỹ, họ phải chuyển đối sang đồng tiền của chính phủ Mỹ ( đồng USD). Điều này sẽ làm tăng nhu cầu của đồng đôla Mỹ và làm tăng giá trị của đồng đôla Mỹ. Cùng thời điểm đó, nguồn cung của các đồng tiền khác sẽ tăng và làm giảm giá trị của các đồng tiền đó.

Hiểu biết chính phủ nào đưa lãi suất của trái phiếu cao hơn và trái phiếu nào đang tăng phổ biến sẽ giúp bạn biết được cặp đồng tiền nào nên mua và cặp nào nên bán. Một điều may mắn rằng thị trường trái phiếu hiếm khi tự thay đổi chiều hướng, nó hoạt đông theo chu kỳ trong dài hạn và bạn có thể dự đoán được một số xu hướng của nó.

Nới lỏng định lượng (QE) là gì?

Công cụ cơ bản mà các NHTW dùng để kiểm soát nguồn cung tiền là lãi suất. Nhưng khi lãi suất tiến sát ngưỡng 0% thì hiệu quả của công cụ này lại giảm sút. Khi đó, chương trình nới lỏng định lượng (QE – Quantitative Easing) được áp dụng.

Các ngân hàng trung ương thường sử dụng hai công cụ cơ bản để kiểm soát nguồn cung tiền.

Thứ nhất, các ngân hàng trung ương có thể thiết lập lãi suất để khuyến khích hoặc hạn chế chi tiêu. Lãi suất càng thấp thì chi phí đi vay càng thấp, từ đó kích thích chi tiêu và vay mượn.

Tuy nhiên, lãi suất không thể xuống dưới 0%. Khi tiến gần đến giới hạn này, lãi suất trở nên ít hiệu quả hơn.

Và do đó, các ngân hàng trung ương buộc phải sử dụng chương trình nới lỏng định lượng (QE).

Cụ thể, các ngân hàng trung ương tiến hành in tiền và ghi nợ vào tài khoản của mình.

Tiếp đó, các ngân hàng trung ương sử dụng số tiền này để mua tài sản từ các ngân hàng nên các ngân hàng này sẽ có thêm nhiều tiền.

Kỳ vọng của các ngân hàng trung ương là các ngân hàng sẽ sử dụng số tiền này cho các doanh nghiệp và người dân vay để đầu tư hoặc chi tiêu, từ đó kích thích nền kinh tế.

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng các ngân hàng này sẽ cho doanh nghiệp và người dân vay tiền.

Bên cạnh đó, QE cũng đem lại nhiều rủi ro như gây ra lạm phát do các ngân hàng trung ương in quá nhiều tiền. Còn nếu in ít tiền, QE sẽ không hiệu quả.

Với những bất đồng sâu sắc về hiệu quả của QE và rủi ro quá lớn kèm theo, kết quả mà chương trình này mang lại vẫn còn là một ẩn số.