TẠI SAO CÀNG CỐ KIẾM LỢI NHUẬN , NĐT CÀNG KHÓ ĐẠT ĐƯỢC Ý NGUYỆN

 

Thật sự không nói quá rằng, thị trường là chiếc gương phản chiếu bản chất của mỗi NĐT. Bao nhiêu tính cách ẩn sâu trong con người bạn đôi khi sẽ lòi ra hết khi bạn tham gia giao dịch. Và mọi người có để ý rằng, vì sao bình thường trong cuộc sống, tâm lý đôi khi không quá ảnh hưởng đến chúng ta và chúng ta cũng chưa khi nào thực sự cần phải rèn nó. Nhưng trong trading thì khác, anh em nào tham gia giao dịch dù mới đây hay lâu rồi đều nói đến môt vấn đề nan giải, “Tâm lý”. Tức là đến với trading, chúng ta không rèn tâm lý không được. Tâm lý không chỉ đơn thuần là cảm xúc, mà còn là thái độ trong nghề. Đến đây nhiều bạn sẽ cho rằng, ờ đúng, nhưng nó có liên quan gì đến cái tiêu đề bài viết này không?

Và mình xin trả lời là có đó nhé, rất liên quan.

Mình nhận thấy một điều rằng, rất nhiều NĐT mới, thậm chí NDT đã có kinh nghiệm rồi, đều có chung một xu hướng đó là luôn cố tìm kiếm lợi nhuận trên mỗi giao dịch. Mình phải dùng từ “cố” nhé, nó không chỉ thể hiện kỳ vọng mà tâm lý “tham lam” cũng hiển hiện rất rõ ràng ở đây.

 

Trong trading, lợi nhuận sẽ khiến NĐT bộc lộ tâm lý tham lam, còn thua lỗ sẽ khiến họ sợ hãi. Hai thái cực tâm lý quyền lực trong trading làm mưa làm gió bấy lâu nay, và nó vẫn chưa hề có ý định nhường ngôi. Điều khiến nó nguy hiểm nhất đó là nó ẩn náu rất tinh vi, đến lúc NĐT phát hiện ra thì đã rơi vào vòng lao lý mất rồi.

Vậy tại sao NĐT càng cố kiếm lợi nhuận thì lại càng khiến họ càng dễ sa vào thua lỗ?

Trước tiên, chúng ta cần hiểu rằng, vào nghề này thì ai ai cũng đi tìm kiếm lợi nhuận cả. Nhưng chúng ta tìm kiếm kiếm nó như thế nào, với tâm lý ra sao và thái độ nào mới đúng. Khi chúng ta phân tích một lệnh giao dịch, việc cần làm đó là chúng ta đi chứng minh đây là một chiến lược có khả năng có lợi nhuận cao. Và mục đích cuối cùng là dựa vào đó để kiếm tiền. Nói như vậy có nghĩa là chiến lược đó vẫn có khả năng thua lỗ đúng không nào, vấn đề ở đây đó là chúng ta cần đánh giá được khả năng cao lệnh giao dịch này sẽ chốt lời trước khi mà nó dính cắt lỗ.

Thêm một điều nữa, dù khả năng trên có cao đến mấy, thì khi lệnh giao dịch được đẩy vào thị trường, thì tốt nhất chúng ta nên đặt những kỳ vọng lợi nhuận, tâm lý lại đằng sau, bởi vì nó không còn tác dụng gì trong thời điểm này cả, xác suất thắng/thua bấy giờ là 50/50. NĐT chuyên nghiệp cũng phải chấp nhận rằng thua lỗ là một phần không thể thiếu trong trading.

Vậy tức là, bạn hay là mình đây kỳ vọng tham gia thị trường đều là để kiếm lợi nhuận. Nhưng đã chấp nhận bước vào cuộc chơi thì hãy quên nó đi, vì nó có thể là yếu tố chủ quan khiến mọi chiến lược giao dịch của bạn chệch hướng và đặc biệt đừng bao giờ chắc chắn một điều gì trong thị trường này.

Cố gắng tìm kiếm lợi nhuận sẽ khiến bạn phân tích theo hướng có lợi cho mình hơn và đôi khi sẽ xem nhẹ phần thua lỗ. Một khi bạn cố tìm kiếm lợi nhuận trong mỗi giao dịch, sẽ vô tình khiến bạn kích hoạt “lòng tham”, vốn đã có sẵn trong bạn. Một khi nó trỗi dậy thì căn bản bạn không thể kiểm soát được. Cái hay của nó là ở chỗ, nếu bạn cố tìm kiếm lợi nhuận, thì kết thúc lệnh này dù có thắng hay thua nó cũng đều xuất hiện tâm lý, và tâm lý này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lệnh giao dịch tiếp theo của bạn. Quan trọng hơn nó hình thành cho bạn thói quen luôn đặt kỳ vọng cá nhân vào trong mỗi giao dịch, và đây thực sự là một thói quen khó mà bỏ liền được. Chính tâm lý xuất phát từ lòng tham từ lệnh này qua lệnh khác, nó khiến bạn rơi vào vòng xoáy tâm lý, đến lúc bạn nhận ra thì có lẽ bạn đã trả lại cho thị trường cũng ngốn tiền rồi.

Vậy nếu không tìm kiếm lợi nhuận thì chúng ta tìm kiếm cái gì?

Lợi nhuận thì vẫn phải tìm rồi, nhưng chúng ta tìm kiếm lợi nhuận bằng việc học cách cân bằng trong giao dịch. Chúng ta vừa phải học cách bảo vệ tài khoản giao dịch trước tiên, và tìm kiếm những điểm mà giúp cho chúng ta có khả năng cao sẽ có được lợi nhuận mà tại đó, lợi nhuận của chúng ta cao hơn thua lỗ. Hơn nữa trong mỗi giao dịch, từ lúc phân tích cho tới lúc tham gia thị trường, điều cần làm nhất đó là giữ tâm lý luôn ở trạng thái ổn định, để chúng ta có được sự tập trung cần thiết vào việc phân tích một giao dịch, làm sao để khi chúng ta đẩy lệnh đi là đã ngầm thỏa thuận với thị trường rằng, lệnh giao dịch này là setup tốt nhất trong những setup chúng ta phân tích, nếu thua lỗ ta chấp nhận. Nếu có lợi nhuận thì điều đó cũng không có gì để chúng ta bất ngờ.


Chúng ta cũng cần học cách từ bỏ, nếu setup không đẹp thì tốt nhất đừng giao dịch. Bởi vì không kiếm được tiền luôn tốt hơn là mất tiền.

Nếu bạn duy trì được điều này thường xuyên, bạn sẽ nhận thấy rằng, việc tìm kiếm lợi nhuận nó không quan trọng bằng việc bạn tập trung vào phân tích một trade cho thật tốt và học cách giữ tâm lý ở trạng thái cân bằng. Chính những việc làm này đôi khi lại khiến bạn có được những khoản lợi nhuận không ngờ tới.

Nguồn : Internet – Biên soạn lại bởi : Fibonacci Academy